TextBody
, 23/01/2025
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

Góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn

29/12/2022

(ĐCSVN)- Hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã nỗ lực không ngừng để trở thành cơ quan nghiên cứu với nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thủy lợi. Những công trình của Viện nghiên cứu đóng góp quan trọng cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp, phục vụ tái cơ cấu nền nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân.

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có tiền thân là Học viện Thủy lợi được thành lập từ tháng 11/1959 theo Nghị định của Chính phủ. Các hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện luôn bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như yêu cầu thực tiễn phát triển nông nghiệp ở Việt Nam, đóng góp thiết thực cho việc ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có chức năng nghiên cứu khoa học, đào tạo sau đại học, hợp tác quốc tế, tư vấn và xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện và môi trường. Ngoài ra, còn có nhiệm vụ tham mưu cho Bộ về chiến lược, các chương trình trọng điểm, kế hoạch về khoa học công nghệ thủy lợi, thủy điện, môi trường, phòng chống giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; cung cấp luận cứ khoa học phục vụ lập kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng thể chế chính sách và định mức kinh tế kỹ thuật; nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tiên tiến vào phục vụ sản xuất, an ninh quốc phòng; hợp tác quốc tế và đào tạo nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao.

Đặc biệt trong những năm gần đây, các nhiệm vụ nghiên cứu của Viện được hình thành có định hướng thành các cụm nhóm nhiệm vụ đã góp phần giải quyết toàn diện, đồng bộ những vấn đề lớn của thực tiễn đang đặt ra như: Vấn đề sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vấn đề công nghệ cấp nước sinh hoạt cho vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, vấn đề an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập và hạ du... Nhờ đó các sản phẩm khoa học công nghệ của Viện đã đáp ứng các yêu cầu của thực tế phục vụ hiệu quả cho công tác quy hoạch, quản lý điều hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nổi bật trong nghiên cứu về lĩnh vực tài nguyên nước là công nghệ dự báo và giám sát hạn hán, xâm nhập mặn - sản phẩm của các đề tài cấp Quốc gia, cấp Bộ đã được Viện nghiên cứu, phát triển và triển khai ứng dụng tại vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long đạt kết quả tốt, cung cấp số liệu dự báo chính xác, giúp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) trong điều hành sản xuất hiệu quả, đặc biệt là đợt hạn 2015-2016, 2019-2020 được Bộ NN&PTNT và các địa phương đánh giá rất cao, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho nhóm nghiên cứu năm 2016.

Đối với lĩnh vực chỉnh trị sông, bảo vệ bờ biển, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, Viện đã nghiên cứu và đề xuất được các giải pháp công nghệ bảo vệ phù hợp nhằm chống sạt lở bờ biển ở Đồng bằng sông Cửu Long (gồm cả các giải pháp công trình và phi công trình) và ứng dụng thành công tại nhiều điểm sạt lở trọng điểm ở Cà Mau, Bạc Liêu, Tiền Giang. Hiện Viện đang xây dựng sổ tay hướng dẫn thiết kế các dạng công trình bảo vệ bờ biển ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đối với sông Hồng: một nhóm các đề tài của Viện thông qua Chương trình KC08 đã tập trung nghiên cứu đề xuất giải pháp đảm bảo ổn định lòng sông thoát lũ; giải pháp và kế hoạch ứng phó với lũ khẩn cấp, lũ cực lớn do vỡ đập trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình... Các kết quả nghiên cứu của Viện đã được hội đồng nghiệm thu đánh giá cao và hoàn thiện để chuyển giao cho Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Phòng chống Thiên tai.

Trong lĩnh vực thủy nông cải tạo đất và cấp thoát nước, môi trường, Viện đã nghiên cứu xây dựng bộ quy trình tưới hợp lý kết hợp bón phân cho một số cây trồng chủ lực như: cà phê, chè (Tây Nguyên), cao su (Đông Nam Bộ), chè (miền núi phía Bắc, Tây Nguyên), dứa (miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nam Bộ), xoài (Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ), cam (miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Đông Nam Bộ), bưởi (miền núi phía Bắc, Đông Nam Bộ),…Tiếp tục hoàn thiện công nghệ và tích hợp thiết bị tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, thiết kế hệ thống thoát nước bề mặt và kỹ thuật tưới nước tiết kiệm, góp phần khống chế bệnh chết nhanh, chết chậm cây hồ tiêu vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Hiện nay, Viện đang tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm xây dựng các quy trình tưới thông minh, tưới chính xác cho một số cây trồng chủ lực.

Sản phẩm nghiên cứu của Viện (do Giám đốc Viện làm chủ nhiệm) được ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế cao

Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường nước, xâm nhập mặn trong hệ thống sông, kênh cũng đang đặt ra thách thức rất lớn cho thủy lợi trong việc cụ thể hóa Luật Thủy lợi mới được ban hành, đứng trước vấn đề này, Viện đã xây dựng và triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia để nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải thiện môi trường nước trên các sông trục chính và hệ thống công trình thủy lợi các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Hồng phục vụ phát triển nông nghiệp an toàn và cấp nước sinh hoạt; nghiên cứu diễn biến nguồn nước, chất lượng nước và đề xuất các giải pháp khai thác thích hợp nhằm nâng cao hiệu quả và hạn chế rủi ro thiên tai (hạn mặn) vùng nuôi thủy sản, trồng trọt ven biển Đồng bằng sông Cửu Long với cách tiếp cận tổng thể từ quản lý, vận hành, đến công nghệ và chính sách nhằm bảo vệ và xử lý.

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam còn nghiên cứu và chế tạo thành công bơm hút sâu có HCK=8m ứng dụng cho vùng miền núi, trung du, những nơi có sự chênh lệch mực nước lớn trong năm. Hiện nay, Viện đã làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo nhiều loại máy bơm công suất lớn, cột nước thấp phục vụ chống ngập úng như bơm HT145, bơm capsule, các loại bơm xiên, bơm trục ngang 4.000 m3/h,… được ứng dụng đạt hiệu quả cao tại nhiều tỉnh thành trong cả nước: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… 

Với những đóng góp, cống hiến của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho sự nghiệp xây dựng, phát triển của ngành thủy lợi nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn nói chung, những năm qua Viện đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng cao quý về khoa học và công nghệ như: 01 giải thưởng Hồ Chí Minh; 01 giải thưởng Châu Á - Thái Bình Dương; 14 giải thưởng Bông Lúa Vàng; 12 giải thưởng Vifotec; 1 giải thưởng Cold Prize; 12 Cúp vàng Techmart; 8 Cúp vàng Nông nghiệp - Agroviet; 27 Bằng sáng chế, bản quyền tác giả; 6 Bằng lao động sáng tạo;… Cùng với đó, Viện cũng đạt nhiều thành tích thi đua khen thưởng như: Huân chương Hồ Chí Minh; Danh hiệu Anh hùng lao động; Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba;…/.

Nguồn: dangcongsan.vn