TextBody
, 23/01/2025
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

Hội nghị chuyển đổi số của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam giai đoạn 2022 - 2025

19/05/2022

Sáng ngày 17/5, tại Hà Nội, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội nghị chuyển đổi số của Viện KHTLVN giai đoạn 2022 - 2025.

Tham dự Hội nghị có GS.TS. Trần Đình Hòa - Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; GS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện; TS. Nguyễn Tiếp Tân - Phó Giám đốc Viện; Thành viên Ban chỉ đạo chuyển đổi số của Viện; Tổ giúp việc Ban chỉ đạo chuyển đổi số của Viện, Lãnh đạo các Ban chức năng và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện.

Hội nghị được trực tuyến tại 03 điểm cầu Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, Viện Kỹ thuật Biển, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Trung và Tây Nguyên.

Tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng - Trưởng Ban Kế hoạch Tổng hợp đã công bố quyết định số 639/QĐ-VKHTLVN ngày 27/12/2021 về việc thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo chuyển đổi số của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Theo đó Danh sách Ban chỉ đạo chuyển đổi số 17 thành viên là lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện và Lãnh đạo Ban Tài chính Kế toán và GS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam là Trưởng Ban chỉ đạo. Về Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo số của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có 17 thành viên là lãnh đạo và cán bộ phụ trách chuyển đổi số của các đơn vị trực thuộc Viện do ThS. Trần Mạnh Trường - Phó Trưởng Ban Kế hoạch Tổng hợp - Tổ trưởng. Quyết định cũng nêu rõ nhiệm vụ của Ban chỉ đạo và Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo.

GS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam - Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã giới thiệu về những quan điểm, vấn đề về chuyển đổi số; chuyển đổi số nông nghiệp; một số ứng dụng chuyển đổi số nông nghiệp đã và đang làm, nhiệm vụ chuyển đổi số thủy lợi và phòng chống thiên tai.Trong đó, nhấn mạnh 02 nhiệm vụ lớn của ngành thủy lợi và phòng chống thiên tai.

Về nhiệm vụ chuyển đổi số thủy lợi, xây dựng và phát triển CSDL số thủy lợi đồng bộ, thống nhất; công cụ hỗ trợ ra quyết định (hệ thống thông tin về nước), gắn với sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập; Ứng dụng công nghệ số trong dự báo nguồn nước, nhu cầu nước, tính toán cân bằng nước theo hướng quản lý tổng hợp nguồn nước theo các lưu vực sông, các sông xuyên biên giới; Nâng cao năng lực quản lý tổng hợp hạn hán, xâm nhập mặt, thiêu hụt nguồn nước trên nền tảng số; Xây dựng các hệ thống quản lý, vận hành hệ thống công trình thủy lợi và công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn theo thời gian thực, nâng cao hiệu quả sử dụng nước; Ứng dụng công nghệ IOT trong quan trắc các thống số kỹ thuật và giám sát công trình hồ chứa nước, đảm bảo an toàn đập và chất lượng nước.

Đối với nhiệm vụ chuyển đổi số đê điều, phòng chống thiên tai, đang đề xuất đưa vào một số nhiệm vụ như xây dựng và phát triển CSDL đê điều và phòng chống thiên tai; Ứng dụng công nghệ tiên tiến giám sát, phân tích, dự báo, cảnh báo thiên tai, công nghệ dự báo mưa định lượng, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất…; Xây dựng hệ thống giám sát, quản lý, điều  hành và ứng phó thiên tai (lũ, ngập lụt, sạt lở bờ sông, bờ biển…) theo thời gian thực để phục vụ sản xuất, dân sinh và các hoạt động kinh tế khác; Tăng cường hệ thống điểu hành trực tuyến về phòng chống thiên tai từ trung ương đến cấp xã; Xây dựng và phổ biến các quy trình số về phòng chống thiên tai trong cộng đồng; khu dân cư và hạ tầng vùng lũ.

Báo cáo về kế hoạch chuyển đổi số của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng -Trưởng Ban Kế hoạch Tổng hợp - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số đã đưa ra mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể đến năm 2025. Theo đó, mục tiêu cụ thể đến 2025 là (1) Xây dựng và vận hành được Hệ thống văn phòng điện tử. Đảm bảo kết nối liên thông với các đơn vị trong Viện và Cổng thông tin điện tử của Bộ NN&PTNT và các Bộ/ ngành liên quan trong năm 2022; nâng cao tính năng và khả năng tích hợp với Chỉnh phủ số; (2) Xây dựng, hoàn thiện được kiến trúc và cấu trúc hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành theo chức năng và nhiệm vụ của các Ban chức năng và của Viện; Từng bước xác định và xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên môn dùng chung theo các lĩnh vực hoạt động của Viện. Đến năm 2025, 90% cơ sở dữ liệu lớn của Viện được hoàn thành và được kết nối với các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực chuyên môn; 95% các văn bản quy phạm pháp luật; tiêu chuẩn, quy chuẩn; định mức; thẩm định dự án, thiết kế và dự toán xây dựng hồ sơ cán bộ...được số hóa; Nâng cao nhận thức, tư duy và năng lực chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ số trong 80% các hoạt động chuyên môn của Viện; Phổ cập mạng internet không dây băng tần 2.4 GHz và 5 GHz cho toàn bộ máy tính và các thiết bị di động toàn bộ Viện KHTLVN và các đơn vị trực thuộc; 90% Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ tới từng phòng làm việc; Tích hợp, đồng bộ các hệ thống phần mềm của các đơn vị trong Viện đảm bảo tính thống nhất và kết nối.

Từ những mục tiêu trên, báo cáo đã đề ra 11 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể trong đó có thể kể đến như chuyển đổi nhận thức; Xây dựng các văn bản hướng dẫn, điều hành; Xây dựng văn phòng điện tử và các phần mềm quản lý của Viện KHTLVN; Xây dựng kiến trúc/cấu trúc và cập nhật CSDL quản lý và chuyên môn; Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin...

TS. Nguyễn Quốc Hiệp - Giám đốc Trung tâm Phần mềm Thủy lợi đã giới thiệu sơ lược và trình diễn tại Hội nghị phần mềm ứng dụng văn phòng điện tử phục vụ quản lý điều hành của Viện - ACEO như  lịch công tác, quản lý văn bản, quản lý công việc, báo cáo công việc....

Các đại biểu có mặt tại Hội nghị đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp có giá trị nhằm giúp cho công tác chuyển đổi số của Viện được triển khai có hiệu quả và tốt hơn.

GS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện - Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

GS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam - Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phát biểu ý kiến, tiếp thu và đánh giá cao các góp ý của các thành viên trong Ban chỉ đạo và sẽ chỉnh sửa, điều chỉnh, bổ sung, cụ thể hóa thêm các kế hoạch triển khai các hoạt động, khung kế hoạch 03 năm cũng như kế hoạch năm 2022 để kế hoạch chuyển đổi số của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam mang tính khả thi hơn, phù hợp với nguồn lực, khả năng và điều kiện của Viện và của các đơn vị trực thuộc Viện.

Ban Chỉ đạo chuyển đổi số sẽ tham mưu với Giám đốc Viện về việc ban hành kế hoạch triển khai cụ thể, chi tiết kế hoạch chuyển đổi số của Viện và của các đơn vị để có sự chỉ đạo thực hiện sớm việc chuyển đổi số, GS.TS. Nguyễn Tùng Phong cho biết thêm.

GS.TS. Nguyễn Tùng Phong đề nghị Trung tâm Công nghệ Phần mềm Thủy lợi cho ứng dụng triển khai thử phần mềm ACEO ở các đơn vị và cần có lộ trình thử nghiệm cụ thể; hướng dẫn, đào tạo cho Viện và các đơn vị trực thuộc Viện sử dụng phần mềm ACEO; Nghiên cứu và tích hợp các phần mềm tương tự đang sử dụng ở các đơn vị vào phần mềm ACEO chung của Viện.

Cần thay đổi tư duy và nhận thức của các đơn vị trong vấn đề ứng dụng các công nghệ số vào các sản phẩm khoa học, dịch vụ; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản phẩm khoa học công nghệ của Viện tạo ra sự khác biệt, tạo ra lợi thế cạnh tranh của Viện Khoa học Thủy lợi VIệt Nam trong giai đoạn tới.

Về nguồn lực, GS.TS. Nguyễn Tùng Phong cho rằng cần phải đưa những nội dung chuyển đổi số phù hợp với điều kiện của từng đơn vị; các công việc chung sẽ triển khai trước, các công việc riêng thực hiện từng bước tùy vào khả năng của đơn vị.

GS.TS. Trần Đình Hòa - Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam - Thành viên Ban chỉ đạo về chuyển đổi số của Bộ NN&PTNT phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu ý kiến kết luận tại Hội nghị, GS.TS. Trần Đình Hòa - Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Viện khẳng định đây là cơ hội của Viện và chuyển đổi số của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cần phải làm quyết liệt và phải thực hiện sớm.

“Chuyển đổi số của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam là sử dụng những sản phẩm của cuộc cách mạng 4.0 để phục vụ cho Viện. Công tác quản lý điều hành của Viện thời gian tới đây sẽ thuận lợi hơn trước tuy nhiên cũng đặt ra rất nhiều thách thức như việc chia sẻ thông tin, bảo mật cơ sở dữ liệu, công tác bảo trì….”

GS.TS. Trần Đình Hòa đề nghị Trung tâm Công nghệ Phần mềm Thủy lợi cần cung cấp công cụ phần mềm đảm bảo tính đồng bộ sau này khi kết nối với các Bộ, ban ngành, các địa phương; tối ưu từng đơn vị khi sử dụng bộ công cụ phần mềm; cần tập huấn, hướng dẫn để Viện cũng như các đơn vị có thể triển khai thực hiện; đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch về kinh phí khi Viện và các đơn vị trong Viện sử dụng phần mềm.

Đối với các nội dung chuyển đổi số thuộc các đơn vị, đề nghị các đơn vị tận dụng nguồn lực của mình để thực hiện. Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam sẽ hỗ trợ tối đa những nội dung mang tính chất tổng thể.

Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phối hợp với Trung tâm Công nghệ Phần mềm Thủy lợi xây dựng kế hoạch tổng thể cho Viện và chi tiết, cụ thể cho các đơn vị trực thuộc Viện.

GS.TS. Trần Đình Hòa cho rằng Hội nghị này được tổ chức rất thành công, các thành viên tại Hội nghị đều thống nhất và đồng thuận cao đó là chuyển đổi số Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam là việc cần phải triển khai thực hiện ngay.

Thay mặt Ban Giám đốc Viện, GS.TS. Trần Đình Hòa gửi lời cảm ơn sự chuẩn bị đầy đủ, công phu của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, Tổ soạn thảo; sự tham gia có mặt và đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc của các thành viên trong Ban Chỉ đạo để giúp cho Ban Giám đốc Viện triển khai chuyển đổi số của Viện trong thời gian tới.

Nguồn: VAWR.ORG.VN