Sáng ngày 14/1, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Ủy viên Ban cán sự Đảng - Nguyễn Hoàng Hiệp đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị tổng kết, về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có đại diện lãnh đạo và chuyên viên Cục Quản lý Xây dựng Công trình, Vụ Tổ chức Cán bộ, Vụ Kế hoạch, Tổng cục Thủy lợi; GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh - Chủ nhiệm Chương trình KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi; Đại diện C03 - Bộ Công An; Đại diện lãnh đạo Báo Nông nghiệp Việt Nam;
Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có GS.TS. Trần Đình Hòa - Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Viện; GS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện; TS. Nguyễn Tiếp Tân - Phó Giám đốc Viện; GS.TS. Nguyễn Vũ Việt - nguyên Bí thư Đảng ủy - nguyên Giám đốc Viện; các đồng chí trong Đảng ủy Viện; Đại diện lãnh đạo các Ban chức năng; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện; Chủ tịch Công đoàn và Bí thư Đoàn thanh niên.
Ngoài ra có trên 70 điểm cầu tham dự trực tuyến là đại diện lãnh đạo cấp Phó các Ban tham mưu, các đơn vị trực thuộc; lãnh đạo cấp Phòng và Trung tâm của các đơn vị trực thuộc và các cán bộ khoa học có trình độ từ TS trở lên.
Thay mặt Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam GS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022. Theo báo cáo, năm 2021, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống xã hội của toàn thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện các đề tài, dự án và công tác giải ngân đầu tư công vũng như hoạt động chung của Viện. Tuy nhiên toàn Viện đã nỗ lực bám sát nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho năm 2021, Viện đã chỉ đạo một cách quyết liệt, toàn thể cán bộ trong Viện đã cố gắng, đoàn kết, sáng tạo nên đã triển khai thực hiện một khối lượng công việc lớn, đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ.
Công tác tổ chức cán bộ ổn định, hành chính quản trị và quản lý đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hiện theo đúng kế hoạch và các quy định quy chế hiện hành; công tác tài chính đảm bảo cho các hoạt động của Viện, chấp hành đầy đủ các quy định của nhà nước.
Viện đã triển khai thực hiện số lượng nhiệm vụ khoa học lớn với 165 nhiệm vụ bao gồm 45 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Quốc gia; 24 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ; 06 nhiệm vụ theo kênh PTNTĐ; 20 nhiệm vụ cấp Tỉnh; 45 nhiệm vụ TXTCN; 01 nhiệm vụ môi trường, 09 nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn và 15 nhiệm vụ giám sát, dự báo chất lượng nước, dự báo nguồn nước và điều tra cơ bản; Đã tổ chức nghiệm thu 15 đề tài, dự án cấp Quốc gia; 20 đề tài cấp Bộ và Tỉnh; 45 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng. Theo đánh giá của Viện, 60-65% các kết quả khoa học công nghệ của Viện được ứng dụng và chuyển giao vào thực tiễn sản xuất.
Viện đã xuất bản 06 số Tạp chí Khoa học công nghệ Thủy lợi với gần 100 bài báo; xuất bản 04 sách chuyên khảo; 47 bài báo khoa học được trên các tạp chí uy tín và hội thảo quốc tế trong đó 42 bài trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus (34 ISI, 8 Scopus)…
Kế thừa việc đăng ký hồ sơ từ những năm trước, trong năm 2021, Viện đã có: 03 giải pháp hữu ích được cấp bằng; 04 TBKT được công nhận; 03 sáng chế, 06 giải pháp hữu ích được chấp nhận đơn
Về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, Viện đã tuyển sinh 07 NCS, nâng tổng số NCS hiện tại lên 42 NS; Đã cấp 06 bằng TSKT; 01 Ứng viên PGS bảo vệ thành công tại Hội đồng GS ngành; Thực hiện Chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ giữa Viện, Trường Đại học Khoa học ứng dụng TH Koln, CHLB Đức,
Viện đã có 02 sáng kiến cấp toàn quốc, 24 sáng kiến cấp Bộ; 194 sáng kiến cấp cơ sở; 01 Tập thể xuất sắc; 39 Tập thể lao động xuất sắc; 04 Chiến sĩ thi đua cấp Bộ; 155 Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 08 cá nhân đạt bằng khen Bộ trưởng; 21 tập thể và 94 cá nhân được giấy khen cấp Viện.
Mặc dù do tình hình dịch COVID, tuy nhiên với tinh thần cố gắng, nỗ lực, năng động trong sáng tạo của các đơn vị, tổng doanh thu đạt được 98% so với năm 2020 trong đó doanh thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ đạt 108%; doanh thu từ nhiệm vụ KHC giảm 22,1% do các Chương trình khoa học công nghệ lớn kết thúc, nhiều chương trình đang chuẩn bị, một số nhiệm vụ khoa học công nghệ chậm tiến độ thực hiện do tình hình dịch COVID.
Các hoạt động khoa học của Viện luôn gắn chặt và đóng góp thiết thực, hiệu quả, phục vụ cho quản lý, điều hành của Bộ, ngành, cụ thể là tính toán vận hành điều tiết liên hồ chứa thuộc lưu vực sông Hồng năm 2021; Dự báo hạn hán và xâm nhập mặn cho vùng ĐBSCL; Đánh giá và dự báo được khả năng nguồn nước hiện tại và tương lai cho ĐBSCL (lân cận 2040); Giám sát, dự báo chất lượng nước trong các hệ thống CTTL; Bản tin dự báo, tính toán cân bằng nguồn nước cho lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Lũy; Chủ trì công tác khảo sát đơn phương tuyến biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; Tham gia xây dựng dự thảo Đề án chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Các sản phẩm khoa học công nghệ đã luôn được Viện hoàn thiện và chuyển giao vào thực tế sản xuất và đời sống có thể kể đến như ứng dụng các giải pháp công nghệ đê ngầm giảm sóng để xử lý sạt lở khu vực trọng điểm tại tỉnh Tiền Giang - Cà Mau; Cụm đề tài VIWAT phối hợp với CHLB Đức đề xuất được một số giải pháp công nghệ, giải quyết đồng bộ vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL; Giải pháp dự báo, cảnh báo sớm và phòng chống sạt lở đất; giải pháp công nghệ xói mòn, sạt lở một số khu vực sông, hồ và lưu vực sông Ba, vùng hạ du sông Kôn - Hà Thanh nhằm thích nghi với biến đổi khí hậu; giải pháp công nghệ phù hợp, hiệu quả để tiêu giảm sóng nhằm nâng cao độ an toàn cho đê biển Nam Định; Phát triển kết cấu mới chống tràn cho đê sông du lũ; bộ công cụ cảnh báo trực tuyến nguy cơ lũ lụt khu vực phía Tây và Tây Nam thành phố Hà Nội; Cụm đề tài “sạt lở đất “- phương pháp nhận dạng nguy cơ trượt lở mái dốc, cơ chế phát sinh, quy luật vận động và xác định các thông số lũ bùn đá; Hệ thống cảnh báo lũ, lũ quét trên nền WEB-GIS cho lưu vực sông Nghĩa Lộ - Trạm Tấu - Yên Bái; Giải pháp công nghệ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật canh tác tôm-lúa theo hướng hữu cơ hiệu quả và bền vững; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho trạm khí tượng thông minh phục vụ cho công tác điều hành cấp nước cho công trình thủy lợi, hệ thống tưới cho vùng canh tác các loại cây trồng lớn cà phê, hồ tiêu, bưởi, cam, thanh long; Mô phỏng lan truyền ô nhiễm, dự báo chất lượng nước cho các sông trục chính; Quy trình vận hành hệ thống CTTL An Kim Hải phù hợp để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước; Mô hình xử lý nước thải tại xã Tân Tiến, huyện An Dương, Hải Phòng; Nghiên cứu đề xuất giải pháp KHCN khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên nước phục vụ chống hạn, đảm bảo an ninh nguồn nước cho vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; Xây dựng mô hình ứng dụng đồng bộ các biện pháp canh tác tiên tiến để chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao vùng đất đồi tỉnh Phú Thọ; Ứng dụng các công nghệ số trong quy hoạch, quản lý, điều khiển tưới; Công nghệ đập trụ đỡ đã được chuyển giao ứng dụng tại cụm công trình trọng điểm cống Cái Lớn - Cái Bé tại tỉnh Kiên Giang; Quy hoạch vận hành cụm công trình trọng điểm cống Cái Lớn - Cái Bé tại tỉnh Kiên Giang....
Trong năm 2021, do ảnh hưởng đại dịch COVID19 nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến công tác hợp tác quốc tế tuy nhiên thông qua trực tuyến, Viện đã có nhiều hợp tác với các nước như xây dựng chương trình hợp tác với CHDCND Lào và Cu Ba; Hợp tác cùng Quỹ Nghiên cứu và Tư vấn Việt Bỉ (Quỹ SCF); Kế hợp với Đại học Southamton thực hiện dự án “Công cụ đánh giá ngập lụt vùng ven biển Việt Nam”; Kết hợp với Viện Môi trường Stockholm Thụy Điển đánh giá tích hợp khả năng tiếp cận nước sinh hoạt cho các cộng đồng dễ bị tổn thương tại ĐBSCL; Hợp tác với Quỹ hội nhập Nhật Bản-ASEAN (JAIF); Hợp tác với các trường Đại học của CHLB Đức, Viện nghiên cứu KIT.
Báo cáo cũng đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 và định hướng giai đoạn 2021-2025 đó là hoàn thiện tổ chức bộ máy và hoạt động của Viện theo Nghị quyết 19, Nghị định 120; Nghị định 60; Rà soát và hoàn thiện chiến lược phát triển Viện; Kiện toàn đội ngũ lãnh đạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Xây dựng, phát triển các mũi nhọn KHCN và kế hoạch thực hiện, khẳng định vai trò của Viện đối với Bộ NN&PTNT về các vấn đề thủy lợi, phòng chống thiên tai; Khai thác và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất nghiên cứu tại Hòa Lạc, Ninh Thuận và các cơ sở khác của Viện, chú trọng và nâng tầm hoạt động hợp tá quốc tế; Tăng cường công tác đăng ký bản quyền, sở hữu trí tuệ, tiến bộ kỹ thuật, công bố quốc tế, đăng ký tham gia các giải thưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước, Bông lúa vàng, VIFOTEC; Hoàn thiện các quy chế, thể chế để tạo động lực cho cán bộ viên chức cống hiến và có thu nhập ngày càng cao.
Tiếp theo đó, Hội nghị đã dành thời gian để các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá những bài học kinh nghiệm, những khó khăn cần tháo gỡ, những giải pháp và kiến nghị, đề xuất để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2022.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá cao các kết quả đạt được của Viện trong năm 2021 vừa qua. Đồng thời đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể cán bộ, viên chức của Viện trong tình hình dịch bệnh COVID19. Đặc biệt, ấn tượng với số lượng 164 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ Viện chủ trì và doanh thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ đạt 108%, tăng hơn so với năm 2020.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và đạt hiệu quả cao của Viện trong việc tham gia giải quyết các nhiệm vụ của Bộ kể cả thường xuyên và đột xuất như đóng góp cho Đề án an ninh nguồn nước, tham mưu các vấn đề về thiên tai, bão lũ, an toàn đập…
Thứ trưởng đề nghị trong năm 2022 Viện cần tập trung vào việc sắp xếp lại bộ máy tổ chức theo đúng tiêu chí, gắn với điều kiện kinh tế xã hội trong 10 năm tiếp theo.
“Sắp xếp ngay các đơn vị trực thuộc của Viện, chức năng nhiệm vụ giống nhau sát nhập ngay, gọn lại đầu mối, không để chồng chéo ngay trong nội bộ Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam”
Tập trung đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ ngành.
Trong nhiệm vụ khoa học công nghệ, xác định các định hướng mũi nhọn nhưng phải có quy hoạch, kế hoạch dài hạn, tạo dấu ấn, thương hiệu và giá trị thực tiễn; các đề tài cấp quốc gia cần phải thực hiện nhiều hơn, giải quyết những vấn đề của quốc gia và khẳng định vị thế của Viện.
Đối với chuyển giao, nhiều sản phẩm nghiên cứu của Viện hiện nay đã cho kết quả rất tốt do vậy cần tập trung quảng bá, truyền thông để biến sản phẩm khoa học công nghệ của Viện thành hàng hóa và đi vào thực tiễn.
Về vấn đề tư vấn, Viện cần tham gia vào tư vấn cho hoạt động chung và một số công trình cụ thể; Hợp tác với các đơn vị tư vấn khác trong ngành trên cơ sở tận dụng chất xám và thế mạnh của Viện.
Thay mặt Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, GS.TS. Trần Đình Hòa - Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam gửi lời cảm ơn các ý kiến chỉ đạo sâu sắc, cụ thể, vừa mang tính chiến lược, toàn diện cho cả ngành trong đó có cả Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Hội nghị tổng kết. Bên cạnh đó, GS.TS. Trần Đình Hòa cũng gửi lời cảm ơn các ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự Hội nghị giúp cho Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam nhận diện các vấn đề đầy đủ, rõ nét hơn trong việc triển khai nghiên cứu, ứng dụng toàn diện vào thực tiễn.
GS.TS. Trần Đình Hòa khẳng đinh Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam sẽ tổ chức thực hiện tốt nhất trong năm 2022, sẽ nỗ lực, đoàn kết hơn nữa vì sự phát triển của Viện và của ngành.
Một số hình ảnh tại Hội nghị tổng kết:
Nguồn: VAWR.ORG
Tin mới nhất