Sáng ngày 4/10/2023, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tổng kết cụm nhiệm vụ “Nghiên cứu bảo vệ bờ biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.
PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng - Phó Giám đốc Viện phát biểu tại Hội thảo
Mục đích của Hội thảo nhằm tổng kết đánh giá những kết quả đã đạt được của cụm nhiệm vụ, phân tích làm rõ những vấn đề tồn tại, vấn đề mới nảy sinh để định hướng nghiên cứu giai đoạn tiếp theo. Đồng thời mong muốn nhận được những góp ý, trao đổi, thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về hướng tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm khoa học công nghệ và các giải pháp và thủ tục cần thiết để chuyển giao những sản phẩm khoa học công nghệ của cụm nhiệm vụ vào ứng dụng thực tiễn; những vấn đề còn tồn tại và nảy sinh mới hiện nay cần phải tiếp tục nghiên cứu giải quyết và định hướng nhiệm vụ mới.
Tham dự Hội thảo, về phía Bộ Khoa học và Công nghệ có Ông Trần Đỗ Đạt - Phó Giám đốc Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, Ông Nguyễn Quyết Chiến - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, các chuyên viên thuộc Vụ Khoa học Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Văn phòng các Chương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước; Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có đại diện Cục Thủy lợi; Các chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu của ngành thủy lợi.
Về cơ quan chủ trì Hội thảo có GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện, PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng - Phó Giám đốc Viện; Đại diện các đơn vị thuộc viện tham gia cụm Đề tài: Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, Viện Kỹ thuật Biển, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình, Trung tâm Tư vấn PIM và một số đơn vị chuyên môn liên quan Viện Thủy công, Viện Kinh tế và Quản lý Thủy lợi, Phòng Thí nghiệm trọng điểm QG về Động lực học Sông Biển, các Ban tham mưu của Viện.
PGS.TS. Trần Bá Hoằng - Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam - Chủ nhiệm nhiệm vụ 1 trình bài báo cáo kết quả nhiệm vụ "Nghiên cứu đánh giá tổng thể quá trình xói lở và dự báo diễn biến bờ biển đồng bằng sông Cửu Long phục vụ đề xuất giải pháp nhằm ổn định và phát triển bền vững vùng ven biển"
Mục tiêu của cụm nhiệm vụ đó là đánh giá được quá trình diễn biến xói lở và bồi lắng dải bờ biển ở đồng bằng sông Cửu Long theo thời gian, dự báo diễn biến dải bờ biển dưới tác động của sự phát triển (thủy điện, nông nghiệp, thủy lợi…) ở các nước thượng nguồn sông Mê Kông, phát triển ở đồng bằng sông Cửu Long và biến đổi khí hậu; Xây dựng được các giải pháp cụ thể, phù hợp cho các vùng khác nhau để bảo vệ ổn định vùng ven biển ĐBSCL; Xây dựng được các mô hình thí điểm.
Sau 07 năm nghiên cứu và mặc dù gặp không ít khó khăn như dịch bệnh COVID và vấn đề triển khai các mô hình thực tiễn tuy nhiên 06 nhiệm vụ đã được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức nghiệm thu và được các Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao vói những kết quả và sản phẩm khoa học công nghệ nổi bật. Có thể kể đến đó là xây dựng được bức tranh tổng thể về xói bồi bờ biển ĐBSCL, tình hình diễn biến đường bờ qua các thời kỳ, giai đoạn khác nhau.
Nhận diện các nguyên nhân chính gây ra diễn biến xói bồi suy thoái rừng ngập mặn ven biển ĐBSCL. Tiến hành phân tích đánh giá những nguyên nhân khách quan, chủ quan, cơ chế xói lở, bồi tụ bờ biển vùng ĐBSCL theo không gian và thời gian.
Xây dựng được quy trình công nghệ dự báo diễn biến đường bờ biển, được thiết lập dựa trên cơ sở các phân tích đánh giá, tính toán dự báo diễn biến đường bờ từ các phương pháp hiện có trên thế giới và trong nước và dự báo diễn biến đường bờ cho một số khu vực bờ biển điển hình trong vùng nghiên cứu.
Đã đánh giá hiệu quả, ưu nhược điểm của hầu hết các công trình xói lở, công trình giảm sóng gây bồi dải ven biển ĐBSCL làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ biển ĐBSCL.
Đề xuất các giải pháp, kết cấu, bố trí mặt bằng tổng thể, tính toán bố trí không gian công trình hợp lý bằng phương pháp mô phỏng mô hình toán cho các vùng chi tiết thuộc khu vực nghiên cứu.
Đề xuất được 03 dạng cấu kiện đê ngầm giảm sóng xa bờ và đã áp dụng thử nghiệm thành công cho 3 đoạn bờ biển đại diện cho 3 vùng và bước đầu cho kết quả tốt.
Xây dựng được mô hình sinh thái bền vững trên vùng triều ven biển đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở kỹ thuật sinh thái: Thủy lợi, Lâm nghiệp, Thủy sản. Mô hình có đặc điểm tạo ra được hệ thống tường mềm giảm sóng, giảm dòng chảy để đai cây ngập mặn sinh trưởng ổn định khu vực bãi triều, bảo vệ đầm, điều tiết nguồn nước nuôi trồng thủy sản, chọn giống và quy trình nuôi theo mục đích sinh thái bền vững.
Đã đề xuất mô hình quản lý đê nhân dân; Đề xuất 03 mô hình quản lý bền vững rừng ngập mặn, xây dựng thí điểm 03 mô hình cơ chế quản lý bền vững.
Ngoài ra, Cụm nhiệm vụ đã có 25 bài báo khoa học trong nước, 7 bài báo quốc tế; 04 bản quyền, giải pháp hữu ích được công nhận và chấp nhận đơn; Hỗ trợ đào tạo 05 NCS, 10 học viên cao học; Xuất bản 01 sách chuyên khảo, 04 sổ tay hướng dẫn.
Ông Trần Đỗ Đạt - Phó Giám đốc Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước - Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Hội thảo
Các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý có mặt tại Hội thảo đều đánh giá cao Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và các đơn vị tham gia thực hiện cụm nhiệm vụ. Đây là cụm nhiệm vụ rất quan trọng, các nhiệm vụ đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá rất tốt về các nội dung thực hiện, các kết quả đạt được và mô hình thực tế khi kiểm tra.
Các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý cũng đề nghị 06 nhiệm vụ cần đánh giá tổng kết lại cụm nhiệm vụ để làm rõ hơn tính kết nối; cần có bộ cơ sở dữ liệu mang tính chất liên tục; xây dựng bộ công cụ để tính toán dự báo và đưa ra một số ý kiến góp ý liên quan đến nguyên nhân, đánh giá xác định yếu tố gây nên sạt lở bờ sông, bờ biển…
Để ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất cần phải có cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn quy chuẩn do vậy các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý đề nghị các chủ nhiệm nhiệm vụ cần đưa vào kiến nghị đề xuất xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn.
Đồng thời cũng nhất trí cho rằng Hội thảo tổng kết là rất ý nghĩa và cần thiết sau khi kết thúc nhiệm vụ và không chỉ cụm nhiệm vụ này mà các nhiệm vụ khác để đánh giá toàn diện các nội dung thực hiện, kết quả đã đạt được, những bài học kinh nghiệm rút ra sau khi hoàn thành nhiệm vụ và đề xuất rõ hơn cho các hướng nghiên cứu tiếp theo.
Thay mặt Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam - Đơn vị chủ trì cụm nhiệm vụ, GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã gửi lời cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý đã tham dự và đưa ra nhiều ý kiến trao đổi rất có giá trị không chỉ riêng cụm đề tài mà còn cả những ý kiến về quan điểm thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ của Viện. GS.TS. Trần Đình Hòa - Chủ trì hội thảo cho biết, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tiếp thu tất cả ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và sẽ có báo cáo tổng hợp các kết quả nghiên cứu chung của 06 nhiệm vụ và những kiến nghị, đề xuất kèm theo.
Năm 2015 trước diễn biến xói lở bờ biển khu vực phía Nam của Việt Nam diễn ra rất mạnh, theo đánh giá hàng năm chúng ta bị xói khoảng 500 ha đất ven biển. Trước thực trạng đó Chính phủ đã triệu tập cuộc họp và bàn về vấn đề này. Sau đó, thực hiện theo Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chuẩn bị đề xuất cụm nhiệm vụ KHCN “Nghiên cứu giải pháp khoa học công nghệ phục vụ phòng chống xói lở, ổn định và phát triển bền vững vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long gửi cho Bộ Khoa học Công nghệ. Trên cơ sở đề xuất trên, Bộ Khoa học Công nghệ đã ra quyết định về việc phê duyệt danh mục Đề tài Khoa học cấp Quốc gia đặt hàng để đưa ra tuyển chọn, xét giao trực tiếp thực hiện năm 2016 và giao Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thực hiện cụm đề tài gồm 6 nhiệm vụ. |
Nguồn: Vawr.org.vn
Tin mới nhất