TextBody
, 22/01/2025
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

Nâng cao nhận thức, ý thức đầy đủ, từ tư duy đến hành động trong quản lý đê điều

07/06/2023

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp tại Hội nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt năm 2023. Hội nghị được Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tổ chức sáng ngày 5/6/2023 tại Nghệ An nhằm để sẵn sàng cho công tác phòng, chống thiên tai, quản lý, bảo vệ đê điều và hộ đê,

Đồng chủ trì Hội nghị Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ông Nguyễn Văn Đệ, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận. Tham dự Hội nghị còn có các  đại biểu Bộ Nông nghiệp và PTNT: Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai và một số đơn vị liên quan; Các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt: Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Quản lý đê điều và PCLB (Chi cục Thủy lợi); Chủ tịch UBND cấp huyện và lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/phòng Kinh tế; Đại diện một số Bộ, ngành, đơn vị, tổ chức liên quan và một số cơ quan thông tấn báo chí.

Phát biểu khai mạc Hội Nghị Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, Chủ tịch UBND cấp huyện có vai trò rất quan trọng; là cấp trực tiếp chỉ huy phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý ngay từ khi những hành vi vi phạm diễn ra; chỉ đạo tổ chức tuần tra canh gác phát hiện và xử lý ngay từ giờ đầu những sự cố đe dọa an toàn chống lũ của đê. Qua thực tế công tác, ở nơi nào, đồng chí Chủ tịch, các đồng chí lãnh đạo UBND cấp huyện có kinh nghiệm, nắm vững những quy định của pháp luật về trách nhiệm được giao, quan tâm chỉ đạo, đôn đốc sát sao, quyết liệt và tổ chức thực hiện bài bản, nề nếp thì ở nơi đó công tác quản lý, bảo vệ, hộ đê phòng lụt được thực hiện tốt, vi phạm pháp luật về đê điều ít xảy ra; các tuyến đê được đảm bảo an toàn chống lũ, giảm thiệt hại được thiệt hại do thiên tai gây ra.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Đức Luận – Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai nhấn mạnh các thách thức đối với công tác đảm bảo an toàn đê điều là do hệ thống đê điều tồn tại nhiều ẩn họa, bị xuống cấp. Năm 2022, mặc dù không xẩy ra lũ lớn trên hệ thống sông có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, tuy nhiên hệ thống đê điều tiếp tục xảy ra 91 sự cố về đê điều. Công tác quản lý đê, hộ đê chưa được coi trọng đúng mức. Trong công tác hộ đê việc phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu sự cố đê điều mang tính quyết định, tuy nhiên qua theo dõi những năm gần đây việc tổ chức và thực hiện công tác tuần tra canh gác đê theo cấp báo động đang bị lơ là, xem nhẹ và thực hiện không đầy đủ theo Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 06/01/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc hướng dẫn tuần tra, canh gác, bảo vệ đê điều trong mùa lũ. Phương án bảo vệ trọng điểm, phương án hộ đê chưa sát thực tế, tình huống có thể xẩy ra; lực lượng tham gia hộ đê lúng túng. Do hạn chế về biên chế nên nhiều địa phương không bố trí đủ cán bộ làm công tác chuyên trách quản lý đê theo quy định của Luật Đê điều nên thực hiện nhiệm vụ còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó nhiều nơi chính quyền địa phương và người dân còn nhận thức không đầy đủ, cho rằng khi xây dựng các hồ chứa thủy điện lớn trên các hệ thống sông để phục vụ điều tiết lũ và phát điện thì dưới vùng hạ du không còn lũ, dẫn đến tình trạng chủ quan và xem nhẹ vai trò của hệ thống đê điều; các cấp chính quyền chưa quan tâm đúng mức trong đầu tư, duy tu bảo dưỡng đê điều cũng như chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều theo quy định.

Ông Phạm Đức Luận cũng cho biết, để đảm bảo công tác đảm bảo an toàn đê điều, các địa phương cần đánh giá hiện trạng, phương án bảo vệ trọng điểm đê điều, tổ chức kiểm tra việc chuẩn bị vật tư, lực lượng, phương tiện, kỹ thuật, chỉ huy và thông tin hai chiều để bổ khuyết kịp thời những thiếu sót, tồn tại; tập huấn nghiệp vụ cho các lực lượng tham gia hộ đê, đặc biệt là lực lượng tuần tra canh gác, xung kích và quân đội; Xử lý sự cố, công trình đang thi công, tổ chức tuần tra canh gác, phát hiện, xử lý kịp thời sự cố, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều

Phát biểu tại Hội nghị, Ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cho rằng đối với Nghệ An, trong hệ thống chính trị, các cấp chính quyền luôn coi nhiệm vụ phòng chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cấp ủy chính quyền, vì vậy trong những năm qua mặc dù có những diễn biến phức tạp trong thiên tai nhưng tỉnh đã luôn chủ động với phương châm xây dựng các phương án phòng chống thiên tai và triển khai sớm nhất với phương châm" chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả trong đó lấy phòng là chính". Có được kết quả đó trước hết là nhờ sự quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực của toàn thể nhân dân cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trước, trong và sau mỗi đợt thiên tai. Ngoài ra còn phải kể đến sự đóng góp của những người làm công tác phòng chống thiên tai ở cơ sở từ thôn xóm, xã, đến huyện.

Tại Hội nghị Ông Trần Công Tuyên – Trưởng phòng Quản lý đê điều giới thiệu Quyết định 429/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016 phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, Thái Bình; GS.TS.Trần Đình Hòa – Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam giới thiệu Chương trình tổng thể phòng chống thiên tai quốc gia được phê duyệt tại Quyết định số 1651/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ và một số địa phương trình bày tham luận về vấn đề bố trí vốn ngân sách hàng năm cho công tác duy tu, bảo dưỡng, công tác giải tỏa công trình, nhà cửa trong hành lang bảo vệ đê, công tác xử lý vi phạm và nâng cao chất lượng quản lý đê.

Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các đồng chí chủ tịch huyện cần nâng cao nhận thức trong thực hiện nhiệm vụ, nghiêm túc thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ tịch huyện trong công tác phòng chống đê điều. cụ thể: Nâng cao nhận thức, ý thức đầy đủ, từ tư duy đến hành động; Xây dựng cơ chế chính sách đủ mạnh, phù hợp đảm bảo hiệu quả, hiệu lực thi hành ở địa phương; Tập trung cho phương châm bốn tại chỗ, không chỉ quan tâm lực lượng tại chỗ mà còn chú trọng chỉ huy tại chỗ; Có phương án bảo vệ đê điều: ngoài phương án bảo vệ thì cần phải tổ chức diễn tập, đặc biệt là diễn tập phòng thủ dân sự; Tổ chức tuần tra canh gác, phát hiện vi phạm, phát hiện sai phạm; Tập trung xử lý vi phạm, giải quyết dứt điểm các vi phạm, tháo gỡ khó khăn trong xử lý vi phạm, không được phát sinh vi phạm.

Nguồn: phongchongthientai.mard.gov.vn