Phát biểu tại hội thảo "Đổi mới cơ chế quản lý, xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước", do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 25/12, Thứ trưởng Lê Xuân Định cho rằng việc hoàn thiện cơ chế quản lý, tài sản hình thành từ các nhiệm vụ rất quan trọng. Ông kỳ vọng các nhà khoa học đóng góp với góc nhìn đa chiều để hoàn thiện hệ thống chính sách.
Thứ trưởng nhìn nhận hành lang pháp lý hiện tại chưa đi vào thực tiễn. Tắc nghẽn chính nếu không được xử lý kịp thời, đồng bộ, các tài sản hình thành từ nhiệm vụ nghiên cứu của nhà khoa học sẽ không thể đưa vào ứng dụng rộng rãi.
Thứ trưởng Lê Xuân Định phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TTTT
PGS.TS Trần Quốc Bình, phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu thực tế vướng mắc nhất ở hai từ "thất thoát và định giá".
Ông cho biết với việc định giá đất đai, bất động sản khá dễ vì có thông tin rõ ràng với sai số 15% trong mức chấp nhận được. "Nhưng với tài sản công, mức 15% được coi là vi phạm. Trong khi đó tài sản được hình thành từ nhiệm vụ khoa học công nghệ là vấn đề mới, do đó rất khó trong việc định giá" ông nói.
Trong thanh lý tài sản, ông Bình nêu ví dụ với thiết bị khoa học công nghệ có quy định trên 500 triệu cần định giá. Khi thực hiện cần chi thêm tiền thuê các công ty định giá thanh lý. "Khi đó việc thanh lý, định giá có thể dẫn tới các thất thoát nhiều hơn", PGS Bình nêu.
PGS.TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) cho biết, thực tế tại viện ông hiện có nhiều công nghệ, đề tài liên quan ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhưng không chuyển giao được. Lý do vướng về định giá công nghệ và chia sẻ lợi nhuận.
Trong khi đó cũng công việc tương tự, khi thực hiện chuyển giao với phía KIST (Hàn Quốc) việc thực hiện theo thông lệ rất nhanh chóng. Họ định giá theo tiêu chí coi sản phẩm công nghệ như một đề tài cụ thể để hội đồng đánh giá tính chi phí, gọi là giá cơ sở để chuyển giao.
Ông nhìn nhận tài sản hình thành từ triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ chủ yếu vướng liên quan đến công nghệ, dùng để chuyển giao cho doanh nghiệp do đó việc tiếp cận dựa theo định giá cơ sở (giá sàn) là cần thiết. "Cách tiếp cận của Hàn Quốc là xây dựng giá cơ sở, đưa trang web để đơn vị có nhu cầu cao trả giá cao nhất để sở hữu", ông nói.
Hay theo thông lệ quốc tế của Mỹ, việc định giá thực hiện theo ba tiêu chí gồm tiêu chuẩn đánh giá doanh nghiệp dựa trên cách tiếp cận thu nhập, thị trường và chi phí.
Năm 2019 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 10 về hướng dẫn xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước. "Thông tư này bám sát theo cách tiếp cận của Mỹ, nhưng Việt Nam chưa có thị trường đầy đủ khiến giải quyết bài toán định giá sản phẩm rất khó", ông Lợi nói.
PGS.TS Vũ Đức Lợi nêu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: TTTT
Còn GS.TS Trần Đình Hòa, Ban Chủ nhiệm Chương trình KC08, cho biết trong định giá, nếu xét tác động công nghệ ứng dụng trong đời sống sản xuất có thể đánh giá dựa theo mức độ tạo ra chất lượng năng suất. Nhưng các tác động phục vụ đề xuất mang tính chất chiến lược quy hoạch dự báo lâu dài lại rất khó định giá. "Có những đề tài 5-10 năm sau mới phát huy giá trị biết định giá ra sao?", ông nói.
Ông nêu trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, công nghệ bảo vệ bờ biển được nghiên cứu nhưng mang tính chất thử nghiệm, khó để đơn vị nhận trách nhiệm định giá và theo dõi. Hay các thí nghiệm, mô hình tính toán mới thực hiện trong phòng thí nghiệm cần theo dõi diễn biến cả quá trình, khi thành công nhân rộng mới có thể nghiệm thu bàn giao. Do đó, ông kiến nghị phân loại tài sản phù hợp, mỗi loại hình như mang tính tính phục vụ cơ chế chính sách, hay sản phẩm công nghệ trực tiếp chuyển giao, tài sản hình thành độc quyền sáng chế.
Tại hội thảo, các nhà khoa học cũng nêu bất cập khác, trong đó phương pháp xác định giá trên tổng hợp các chi phí triển khai nhiệm vụ là chưa phù hợp do còn có đóng góp quan trọng của "chất xám". Đây là chi phí khó định lượng. Do đó hiện nay khó tìm được cơ quan có khả năng thẩm định giá tài sản từ nhiệm vụ, gây ra khó khăn trong thương mại hóa.
Theo PGS Phí Quyết Tiến, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, việc phân chia lợi nhuận thu được từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ tạo bằng ngân sách nhà nước chưa tạo động lực cho các tác giả thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Ông kiến nghị có cơ chế hỗ trợ tác quyền, tác giả chuyển giao và cơ quan chủ trì. Về kinh phí định giá, PGS Tiến cũng đưa ra sáng kiến hợp đồng 3 bên, trong đó có thêm góp mặt của Viện định giá, đơn vị thụ hưởng tương lai cùng tham gia nhằm tháo gỡ cho doanh nghiệp và nhà khoa học.
PGS.TS Trần Quốc Bình đề xuất ba giải pháp. Một là, coi việc đầu tư các dự án như một khoản tài trợ chứ không phải đầu tư để thu hồi vốn, tức là chấp nhận độ rủi ro. Ở đó tài sản trí tuệ chuyển giao cho doanh nghiệp được thu hồi gián tiếp qua cơ chế thuế. Hai là, ở cấp độ thấp hơn là không bán tài sản trí tuệ hình thành mà sử dụng cơ chế cho quyền sử dụng, thu % doanh thu từ tài sản đó. Tức là bán được bao nhiêu nộp doanh thu ngược lại để thị trường tự định giá (cách này Đại học Quốc gia Hà Nội đang sử dụng). Ba là, nếu thực hiện định giá cần có mức sàn chung áp dụng khi thuyết minh đề tài dự án, để tránh vi phạm liên quan thủ tục định giá, cấu kết lợi ích.
Tiếp thu và ghi nhận các ý kiến nêu tại hội thảo, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết sẽ tiếp tục phối hợp Bộ Tài chính trong quá trình hoàn thiện chính sách, rà soát, sửa đổi quy định về cơ chế trong quản lý tài sản hình thành từ các chương trình, nhiệm vụ, tháo gỡ các Luật Quản lý tài sản công, Khoa học công nghệ... nhằm gỡ nút thắt cho hoạt động chuyển giao.
Nguồn: Như Quỳnh/vnexpress.net