TextBody
, 23/01/2025
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

16/02/2023

Chiều 15/2, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã có buổi làm việc với Bộ để đánh giá kết quả thực hiện trong thời gian qua và một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm của ngành nông nghiệp trong thời gian tới.

Tham dự buổi làm việc về phía các Bộ, ngành TW có đại diện lãnh đạo các Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ,… Về phía Bộ NN&PTNT có Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Nguyễn Hoàng Hiệp, Nguyễn Quốc Trị cùng lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2022, Bộ NN&PTNT đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ, công việc được giao, tâp trung vào 06 nhóm kết quả nổi bật. Trong đó, Bộ đã hoàn thành tốt công tác tham mưu xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành; hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống văn bản pháp luật để huy động nguồn lực cho phát triển ngành. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành; công tác cải thiện môi trường kinh doanh được triển khai quyết liệt, hiệu quả. Bộ đã chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh từng bước hoàn thiện, phù hợp hơn với kinh tế thị trường hội nhập quốc tế và đã chủ động, nhanh nhạy trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện Chính phủ điện tử.

Tuy vẫn còn nhiều “nút thắt” để đạt được phát triển bền vững, tăng trưởng ổn định, những khó khăn trong việc đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao. Đặc biệt, thị trường xuất khẩu khó khăn do nhiều nước có thế mạnh nông nghiệp quay lại đầu tư lớn cho nông nghiệp, bảo hộ sản xuất; trong khi các nước nhập khẩu tăng cường hàng rào kỹ thuật, chuyển sang nhập khẩu chính ngạch. Một số cơ chế, chính sách cho phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa bổ sung kịp thời, cùng với đó là cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn dịch chuyển chậm, cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn bất cập so với yêu cầu phát triển hàng hóa ngày càng cao.

Mặc dù những khó khăn, thách thức còn tồn tại cần có sự đồng nhất, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn dân, ngành NN&PTNT vẫn quyết tâm đặt mục tiêu đến năm 2025 tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 2,5 - 3,0%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS 48 - 50 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới ít nhất 80%; thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn gấp 1,5 lần năm 2020 và tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42%.

Để thực hiện tốt, hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao trong thời gian tới, Bộ có một số đề xuất, kiến nghị với Phó Thủ tướng Chính phủ về thực hiện kế NN&PTNT hoạch đầu tư công trung hạn, tập trung ở triển khai thực hiện một số dự án thủy lợi, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời sớm ban hành các văn bản do Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì xây dựng và đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ dành thời gian tham dự chủ trì, chỉ đạo một số hội nghị của Bộ, ngành Nông nghiệp và PTNT; tham quan, khảo sát một số mô hình phát triển nông lâm thủy sản, công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai, xây dựng nông thôn mới.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan, với đặc thù của Bộ có nhiều chủ thể tham gia trong ngành, Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững được ban hành vào cuối năm 2022 là một thành quả đáng khích lệ, lần đầu tiên có một chiến lược rõ ràng hơn, phát huy được thành tựu của ngành nông nghiệp, giải quyết những vấn đề nội tại của ngành, tiếp cận với tư duy nông nghiệp mới. Từ chiến lược này Bộ đi đến Nghị quyết 19 về Tam nông xác định rõ thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ tăng trưởng đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị. Bộ trưởng trăn trở về việc làm sao để Nghị quyết đi được vào lòng 60 triệu nông dân khi không có tổ chức gần nông dân để tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại thị trường, tổ chức hệ sinh thái doanh nghiệp và nông dân.

Nguồn: www.mard.gov.vn