Thông qua trồng rừng ngập mặn, khu vực ven biển ĐBSCL sẽ được tăng cường sức chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hội thảo về “Tăng cường khả năng chống chịu vùng ven biển thông qua trồng rừng ngập mặn tại ĐBSCL” chiều 10/6
Chiều 10/6, Bộ NN-PTNT, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã tổ chức Hội thảo về “Tăng cường khả năng chống chịu vùng ven biển thông qua trồng rừng ngập mặn tại ĐBSCL”. Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình đã cử đoàn cán bộ tham dự hội nghị do TS. Nguyễn Minh Đức - Phó Viện trưởng làm trưởng đoàn.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho biết, để tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, trong thời gian qua Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho ngành nông nghiệp triển khai các đề án, dự án bảo vệ và phát triển rừng ven biển.
Theo đó, ADB và Chính phủ Hà Lan đã cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong tăng cường khả năng chống chịu của các vùng ven biển của ĐBSCL và khả năng phục hồi cho người dân. Bộ NN-PTNT hiện đang xây dựng dự án “Khôi phục và quản lý bền vững rừng ven biển khu vực ĐBSCL nhằm tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu” tại 5 tỉnh ven biển là Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang. Dự án được đề xuất tổng vốn dự kiến khoảng 64 triệu USD và dự kiến sẽ được triển khai từ 2023 - 2029.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo
Theo Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp, dự kiến dự án sẽ triển khai trồng mới 3.500 ha rừng, trồng phục hồi 1.000 ha rừng; Xây dựng phương án quản lý rừng bễn vững cho tất cả các chủ rừng, đóng mốc giới rừng; Mô hình đồng quản lý rừng ven biển (diện tích rừng hiện có và diện tích trồng mới).
Bên cạnh đó, dự kiến dự án sẽ cung cấp các giải pháp kỹ thuật gây bồi tạo bãi; Xây dựng 5 vườn ươm công nghệ cao; Trồng 3 triệu cây phân tán; Thiết lập hệ thống theo dõi, quản lý, giám sát rừng; Xây dựng 25 mô hình canh tác thủy hải sản bền vững; Xây dựng 25 mô hình du lịch sinh thái rừng ven biển; Tăng cường năng lực và phát triển thể chế, quản trị rừng.
Theo định hướng đó, Đại sứ quán Hà Lan và ADB đang hỗ trợ Bộ NN-PTNT chuẩn bị nội dung vận động Quỹ Khí hậu Xanh GCF đồng tài trợ cho dự án.
Nhằm hỗ trợ Bộ NN-PTNT và ADB trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển dự án, Chính phủ Hà Lan đã chỉ định tập đoàn Royal HaskoningDHV và Wetlands International thực hiện nghiên cứu về “Tăng cường khả năng chống chịu vùng ven biển thông qua trồng rừng ngập mặn tại ĐBSCL”, với những bài học kinh nghiệm quốc tế dưới góc nhìn tổng thể toàn diện về các yếu tố thành công và thất bại đối với các dự án phục hồi rừng ngập mặn.
Ông Trần Quang Bảo nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn trong việc phòng chống sạt lở bờ biển, giảm thiểu tác hại của nước biển dâng
Chia sẻ với báo Nông nghiệp Việt Nam bên lề Hội thảo, ông Trần Quang Bảo, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn trong việc phòng chống sạt lở bờ biển, giảm thiểu tác hại của nước biển dâng, từ đó góp phần ổn định sinh kế của người dân.
Tuy nhiên, trước xu hướng phát triển kinh tế xã hội không chỉ ở Việt Nam mà còn tại các nước trên thế giới, diện tích rừng ngập mặn, đặc biệt là rừng ngập mặn tự nhiên đã bị suy giảm nhiều, tác động đến sinh kế và giảm thiểu đa dạng sinh học.
Chính vì vậy, ông Trần Quang Bảo đánh giá dự án khôi phục, bảo vệ rừng ngập mặn ven biển ĐBSCL theo dự định đề xuất Chính phủ Việt Nam, phối hợp với Chính phủ Hà Lan và ADB có ý nghĩa rất quan trọng vì khu vực ĐBSCL là nơi chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu.
“Tuy nhiên do đặc thù về mặt địa hình, chế độ dòng chảy cũng như lập địa nên việc khôi phục rừng ngập mặn ở khu vực ĐBSCL hiện nay đang gặp khó khăn. Thế nên vai trò của chính quyền các địa phương đối với việc thực hiện dự án là rất lớn”, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp nhận định.
Rừng ngập mặn là giải pháp tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực ĐBSCL
Theo đó, ông Trần Quang Bảo cho rằng, đầu tiên, các địa phương khi tham gia dự án cần rà soát lại những vùng quỹ đất có thể triển khai dự án, sau đó đánh giá tác động của việc thực hiện trồng rừng ngặp mặn đến sinh kế của người dân.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Willem Schoustra, tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Hà Lan, cho biết Hà Lan đã và đang là đối tác của Việt Nam trong qua trình thực hiện quy hoạch tổng thể ĐBSCL. Dự án trồng rừng ngập mặn rất phù hợp với chương trình nghị sự của 2 nước cũng như quá trình chuyển đổi ngành nông nghiệp mà Bộ NN-PTNT cũng như các địa phương đang hướng tới.
Nguồn: nongnghiep.vn
Tin mới nhất