TextBody
, 22/01/2025
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

Hội thảo khoa học góp ý cho luận án Tiến sĩ của NCS. Mai Trọng Luân

29/11/2023

PGS.TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính phát biểu tại Hội thảo

Chiều ngày 27/11/2023, Cơ sở Đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học góp ý cho luận án Tiến sĩ của NCS. Mai Trọng Luân với đề tài “Nghiên cứu hiệu quả giảm sóng của đê lắp ghép cấu kiện CT3N-WIP1, áp dụng cho bảo vệ bờ biển phía Tây mũi Cà Mau” thuộc ngành kỹ thuật xây dựng công trình thủy.

Tham dự Hội thảo khoa học có GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện - Thủ trưởng cơ sở đào tạo; PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng - Phó Giám đốc Viện; Lãnh đạo Ban Tổ chức Hành chính; các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc lĩnh vực xây dựng công trình thủy.

Luận án của NCS. Mai Trọng Luân được sự hướng dẫn của GS.TS. Nguyễn Vũ Việt và GS.TS. Thiều Quang Tuấn.

Phát biểu tại Hội thảo, thay mặt Cơ sở đào tạo Viện, GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện - Thủ trưởng cơ sở đào tạo đã gửi lời cảm ơn các thầy, chuyên gia, nhà khoa học đã tham dự Hội thảo và cho biết dưới sự giúp đỡ của các thầy giáo hướng dẫn, luận án của NCS. Mai Trọng Luân đã hoàn thành bản dự thảo. Hội thảo là buổi sinh hoạt học thuật để xin ý kiến các thầy, chuyên gia, nhà khoa học giúp NCS và thầy giáo hướng dẫn có thể chỉnh sửa, hoàn thiện luận án về mặt khoa học, thực tiễn, tính mới và nội dung luận án trước khi bảo vệ Hội đồng cấp cơ sở. GS.TS. Trần Đình Hòa đề nghị NCS. Mai Trọng Luân trình bày đầy đủ, ngắn gọn, tập trung vào các vấn đề chính và ghi chép đầy đủ các ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học.

Báo cáo dự thảo luận án tại Hội thảo, NCS. Mai Trọng Luân cho biết những năm gần đây quá trình sạt lở bờ biển đang diễn ra hết sức nghiêm trọng ở dải ven biển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) làm suy thoái rừng ngập mặn. Đã có nhiều nghiên cứu về giải pháp cứng bảo vệ bờ biển trong một thời gian dài và có đầy đủ các cơ sở khoa học và thực tiễn với hiệu quả bảo vệ bờ cao. Tuy vậy các hệ sinh thái tự nhiên như cỏ biển, rừng ngập mặn, san hô… các loại động vật biển bị phá hủy và thay thế bằng những cấu trúc đê, bê tông đá; thời gian tồn tại và khả năng bảo vệ bờ sẽ đảm bảo hiệu quả như thiết kế là điều không thể khẳng định trong khi chi phí đầu tư lớn.

Dưới những tác động không mong muốn và hạn chế của các giải pháp cứng, các nghiên cứu gần đây tập trung theo hướng nghiên cứu về công trình thuận với tự nhiên bao gồm có kết cấu, vật liệu nhằm giảm thiểu những tác động trên. Tuy nhiên sau một thời gian đưa vào khai thác các giải pháp này không còn giữ được các ưu điểm ban đầu và không còn đem lại hiệu quả mong muốn do nhiều yếu tố như hàng rào cọc tre bị sinh vật hại xâm hại, do tác động của sóng và dòng chảy khiến cho vật liệu lấp nhét là các bó trà bị tiêu tan dẫn đến hiệu quả giảm sóng, giảm dòng chảy của công trình không còn được như thiết kế.

Do đó, theo NCS. Mai Trọng Luân cần phải có giải pháp vẫn giữ được các ưu điểm của các giải pháp đã áp dụng đồng thời khắc phục các nhược điểm về độ bền của hàng rào cọc tre và khắc phục các nhược điểm về tác động với tự nhiên của các giải pháp công trình kiên cố. Theo một nghiên cứu mới của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, giải pháp bảo vệ bờ bằng khối block rời rạc được lắp ghép với nhau để giảm sóng và vẫn đảm bảo sự trao đổi nước giữa trong và ngoài công trình được đề xuất. Tuy nhiên nghiên cứu không đi sâu vào quá trình truyền sóng qua giải pháp được đề xuất. Vì vậy, theo NCS. Mai Trọng Luân, Đề tài luận án sẽ đi sâu vào quá trình truyền sóng qua dạng kết cấu công trình giảm sóng bảo vệ bờ thuận với tự nhiên được đề xuất.

Mục tiêu nghiên cứu của Đề tài luận án đó là nghiên cứu quá trình lan truyền sóng và xây dựng công thức bán thực nghiệm để xác định hiệu quả của đê giảm sóng lắp ghép bởi cấu kiện CT3N-WIP1 với điều kiện tự nhiên của biển Tây mũi Cà Mau.

Qua quá trình triển khai các nội dung nghiên cứu, Luận án đã đạt được một số kết quả chính như Đã tổng quan các thành tựu nghiên cứu ở trong và ngoài nước về ứng dụng của các dạng công trình giảm sóng bảo vệ bờ và quá trình lan truyền sóng qua các dạng công trình; Khái quát được phương pháp nghiên cứu quá trình lan truyền sóng qua đê giảm sóng, từ đó xác định các tham số cơ bản chi phối hiệu quả giảm sóng và xây dựng được công thức bán thực nghiệm về hệ số truyền sóng qua đê giảm sóng có kết cấu lắp ghép bằng cấu kiện CT3N-WIP1 phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng biển Tây Cà Mau.

Nghiên cứu đã làm rõ thêm định hướng trong việc đề xuất đê giảm sóng đáp ứng được mục tiêu về giảm sóng và hỗ trợ trồng/phục hồi rừng ngập mặn; làm rõ thêm bản chất của sự truyền sóng qua đê giảm sóng có kết cấu xốp rỗng từ phân tích các quá trình vật lý ảnh hưởng đến sự cân bằng năng lượng sóng truyền qua công trình…

Đã ứng dụng tính toán xác định các thông số chiều cao, bề rộng đỉnh đê, số lượng cấu kiện sử dụng trên mặt cắt ngang cho công trình đê giảm sóng trên bờ biển bùn của vùng biển Tây Cà Mau từ đó đưa ra được 04 phướng án thiết kế đê giảm sóng lắp ghép cấu kiện CT3N-WIP1 và ưu, nhược điểm của từng phương án.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học đã cùng nhau trao đổi, đóng góp ý kiến và nhất trí cho rằng Luận án “Nghiên cứu hiệu quả giảm sóng của đê lắp ghép cấu kiện CT3N-WIP1, áp dụng cho bảo vệ bờ biển phía Tây mũi Cà Mau” của NCS. Mai Trọng Luân phù hợp với chuyên ngành kỹ thuật xây dựng công trình thủy và phù hợp với mã ngành 9 58 02 02; Nội dung của Luận án không trùng lặp với những nghiên cứu đã công bố. Đề tài luận án có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Đề tài luận án đã làm rõ hơn quá trình lan truyền sóng qua cấu kiện CT3N-WIP1, tương quan giữa chiều cao lưu không tương đối với bề rộng tương đối của đỉnh đê và hệ số truyền sóng để ứng dụng cho đê giảm sóng ở vùng biển có thềm nước nông, độ dốc thềm nhỏ, biên độ sóng nhỏ; Góp phần bổ sung công cụ cho các tính toán, hệ số truyền sóng qua cấu kiện CT3N-WIP1 làm cơ sở cho công tác thiết kê đê giảm sóng vùng biển phía Tây Cà Mau trong giai đoạn thiết kế sơ bộ hay lập dự án đầu tư xây dựng công trình.

Các chuyên gia, các nhà khoa học đề nghị NCS. Mai Trọng Luân cần chỉnh sửa phần tổng quan; bố cục, khối lượng, kết cấu nội dung của các chương, phần kết luận, kiến nghị; Trình bày và phân tích rõ hơn kết quả nghiên cứu của các kịch bản; Phân tích các yếu tố liên quan trong áp dụng vào thực tế thiết kế công trình; Cần mô tả chi tiết hơn về kết cấu đê giảm sóng CT3N-WIP1 (hình dạng 1 cấu kiện đơn); cần có sự so sánh thêm với các dạng cấu kiện khác hoặc công trình giảm sóng khác đề thể hiện tính ưu việt của cấu kiện CT3N-WIP1. Bổ sung các hình vẽ như mặt bằng, cắt doc/cắt ngang các phương án bố trí kết cấu công trình và các ký hiệu kích thức kết cấu/đại lượng; Bổ sung nội dung phần hiệu chỉnh, thí nghiệm kiểm định mô hình vật lý trên máng tạo sóng; Nên có các phụ lục để nêu rõ công việc và kết quả nghiên cứu; Xem xét lại một số thuật ngữ được sử dụng trong luận án; chỉnh sửa tài liệu tham khảo, lỗi chính tả, font chữ.

Nguồn: VAWR.ORG.VN