TextBody
, 22/01/2025
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững
vn eng
Giải pháp sinh thái - Tái tạo thông minh - Công trình bền vững

Họp nghiệm thu cơ sở nhiệm vụ hợp tác quốc tế theo Nghị định thư

01/04/2016

(WIP) - Ngày 01/4/2016, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức buổi họp nghiệm thu cơ sở nhiệm vụ hợp tác quốc tế khoa học và công nghệ theo Nghị định thư “Hợp tác nghiên cứu các giải pháp thân thiện với môi trường để kiểm soát một số côn trùng gây hại (mối, kiến, gián) ở đô thị” do PGS.TS. Trịnh Văn Hạnh, Viện trưởng Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình chủ nhiệm.

Theo PGS.TS. Trịnh Văn Hạnh cho biết, Đô thị ở nước ta với điều kiện mật độ xây dựng cao, dày đặc, lại thường xuyên cải tạo, sửa chữa, tạo điều kiện cho các loài côn trùng lây lan và phát triển. Việc quản lý côn trùng gây hại từ trước tới nay ở Việt Nam chủ yếu được thực hiện theo hình thức xử lý cục bộ, trực tiếp cho từng công trình cụ thể nên hiệu quả xử lý không cao, côn trùng sau một thời gian ngắn lại xuất hiện trở lại. Xu hướng quản lý côn trùng đô thị ở các nước đang phát triển hiện nay là sử dụng giải pháp thân thiện vói môi trường trên cả khu vực rộng lớn đã mang lại hiệu quả cao về kinh tế, môi trường và nâng cao hiệu quả kiểm soát côn trùng gây hại.

Việc học hỏi và hợp tác nghiên cứu với các chuyên gia từ nước ngoài đến từ các nước phát triển đặc biệt là Trường Đại học Georgia và Trường Đại học Florida của Mỹ trong việc xác định chính xác thành phần loài bằng công nghệ DNA, sử dụng các phương pháp nghiên cứu tiên tiến để nắm chắc các đặc điểm sinh học, tập tính của mỗi loài, làm cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu công nghệ kiểm soát côn trùng gây hại thân thiện với môi trường là một lựa chọn hợp lý. Chính vì thế nhiệm vụ “Hợp tác nghiên cứu các giải pháp thân thiện với môi trường để kiểm soát một số côn trùng gây hại (mối, kiến, gián) ở đô thị”  do PGS.TS. Trịnh Văn Hạnh chủ trì cùng hợp tác với các chuyên gia Hoa Kỳ: GS.TS. Nan-Ya-Su (Đại học Florida) và GS.TS. Brian T. Forscher (ĐH Georgia) có giá trị khoa học và thực tiễn đáp ứng với tình hình cần phải giải quyết hiện nay về phòng chống nhóm côn trùng gây hại mối, kiến và gián.

Với mục tiêu đó là xác định thành phần loài và đánh giá mức độ gây hại của mối, kiến, gián đối với các khu vực đô thị ở Hà Nội; xây dựng được các quy trình công nghệ thân thiện với môi trường để kiểm soát côn trùng gây hại trong các đô thị ở Việt Nam.

Qua thời gian nghiên cứu, nhiệm vụ đã đạt được các kết quả nổi bật như lần đầu tiên cung cấp có hệ thống và đầy đủ nhất về thành phần loài và cấu trúc thành phần loài côn trùng gây hại đô thị ở Việt Nam trong 3 sinh cảnh đại diện (khu phố cổ, đô thị mới xây dựng và khu nghỉ dưỡng) cụ thể phát hiện được 9 loài mối, 42 loài kiến và 6 loài gián; Cung cấp dẫn liệu mới nhất qua kết quả phân tích AND để xác nhận loài Coptotermes gestroi tồn tại trong phố cổ Hà Nộ thay cho loài Coptotermes formosanus đã công bố trước đây; sáng tạo lập các tiêu chí đánh giá đối tượng gây hại làm cơ sở khoa học cho nghiên cứu triển khai biện pháp phòng chống hiệu quả; cung cấp dẫn liệu sinh học, sinh thái học làm cơ sở khoa học xây dựng các biện pháp phòng chống loại gây hại chính cụ thể, hiệu quả, thân thiện môi trường và khả thi ở điều kiện Việt Nam; chế tạo thành công các loại bả diệt mối, kiến, gián phù hợp với điều kiện Việt Nam; lập 10 bản thiết kế mô hình phòng chống mối, kiến, gián trong đô thị Việt Nam, 03 bộ tiêu chí đánh giá kết quả xử lý và thực hiện thành công 03 mô hình thực tế phòng chống; xây dựng được 03 quy trình kỹ thuật quản lý mối, kiến và gián trong đô thị ở Việt Nam.

Thay mặt Hội đồng khoa học công nghệ đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở, Chủ tịch Hội đồng - GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã đánh giá cao các kết quả đạt được của nhiệm vụ, các phương pháp và giải pháp mới trong nghiên cứu. Nhiệm vụ đảm bảo đầy đủ số lượng, khối lượng, chủng loại các sản phẩm khoa học công nghệ, có một số nội dung, sản phẩm nghiên cứu của nhiệm vụ vượt mức yêu cầu như bài báo khoa học, số lượng bả, hộp nhử, giá thành, quy mô diện tích nghiên cứu; phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sử dụng hợp lý, phù hợp với mục tiêu và nội dung nghiên cứu, đảm bảo độ tin cậy và mang tính đại diện tốt; sản phẩm của nhiệm vụ có chất lượng cao, các quy trình kỹ thuật có khả năng ứng dụng cao vào thực tiễn; báo cáo tổng kết đầy đủ, rõ ràng, logic, giải quyết nhiều nhóm việc từ khoa học cơ bản đến ứng dụng cụ thể. Chủ nhiệm đề tài cần chỉnh sửa lại lỗi chính tả, thuật ngữ, trích dẫn, các bảng biểu, số liệu, nội dung tổng quan; bổ sung kết quả nghiên cứu của đối tác nước ngoài, thông tin về các mô hình, mối quan hệ giữa khu vực nghiên cứu với các đối tượng nghiên cứu và đề nghị cho triển khai dự án sản xuất thử nghiệm theo hướng đề tài

Hội đồng đánh giá nghiệm thu cơ sở đạt yêu cầu./.