(WIP) - Ngày 15/8/2018, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tiếp và làm việc với GS.TS. Matthijs Kok - chuyên gia Hà Lan về phòng chống thiên tai.
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Chính phủ Hà Lan về phòng chống thiên tai, phía Hà Lan có cử nhóm chuyên gia trong đó GS.TS. Matthijs Kok làm trưởng nhóm và đây là chuyến công tác đầu tiên của Ông và Ông mong muốn qua chuyến đi này sẽ tìm hiểu nhu cầu của phía Việt Nam từ đó tìm khả năng hợp tác giữa 02 bên.
Giáo sư cho biết mục đích đến làm việc với Viện là mong muốn chia sẻ thông tin về phòng chống sạt lở, bờ sông bờ biển đồng bằng sông Cửu Long và cùng nhao thảo luận về nhu cầu hợp tác.
Tham dự buổi làm việc về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế - Tổng cục Phòng chống thiên tai. Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có đại diện Viện Sinh thái và Bảo vệ Công trình, Trung tâm Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, Ban Kế hoạch, Tổng hợp và Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (qua điểm cầu trực tuyến).
Thay mặt Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện đã gửi lời cảm ơn GS.TS. Matthijs Kok đã đến thăm và làm việc với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Phó Giám đốc Viện đã giới thiệu sơ lược về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ; các lĩnh vực hoạt động của Viện đang nghiên cứu triển khai trong đó nhấn mạnh về lĩnh vực phòng chống thiên tai.
Tại buổi làm việc, TS. Ngô Xuân Nam - Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Bảo vệ Công trình đã thảo luận với GS.TS. Matthijs Kok về định hướng nghiên cứu của Viện Sinh thái và Bảo vệ Công trình về các giải pháp để phục hồi rừng ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long dựa trên cách tiếp cận hệ sinh thái và tiếp cận hệ thồng: (1) Đi sâu nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái học của cây ngập mặn, ứng dụng công nghệ sinh học để lựa chọ loài cây ngập mặn phù hợp biển động của các đặc điểm tự nhiên. (2) Đối với hàng rào giảm sóng, giảm dòng chảy và vật liệu lấp nhét: Nghiên cứu giải pháp thay thế vật liệu địa phương dễ hư hỏng bằng vật liệu mới, thân thiện với môi trường. (3) Nghiên cứu cơ sở khoa học và xây dựng bộ tiêu chỉ để quy hoạch các vị trí có thể áp dụng giải pháp mềm để chống xói lở và thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL./.
Tin mới nhất